NVM: “Producer biết càng nhiều sẽ càng dễ dàng làm việc hơn”
Cùng gặp gỡ NVM - người đứng sau những sản phẩm âm nhạc chất lượng như “Đến rồi lại đi”, “Diamond”, “Trăng”, “Wowy - Tiền”,… NVM là một gương mặt thân quen của giới Hip-Hop Rap Việt và vừa rồi anh đã tham gia The Heroes ở vị trí nhà sản xuất âm nhạc với những màu sắc hoàn toàn mới. Có thể nói đây là một bước đột phá trong sự nghiệp âm nhạc của anh khi kết hợp cùng ca sĩ Thanh Duy, cho ra các sản phẩm đặc sắc như “Ba Đây”, “Xập Xình”, “Lý Ngựa Ô x Old Town Road”, “Tình Anh Bán Chiếu”,… Khán giả đã có một phen vỡ oà khi nghe những bài ca dân gian Việt Nam được pha trộn với chất liệu electronic hiện đại vừa lạ, vừa bắt tai.
Và Beat Barons rất vui vì đã có cơ hội được trò chuyện cùng NVM, nghe những chia sẻ của anh về tất tần tật mọi thứ xoay quanh lĩnh vực âm nhạc và sản xuất. Những kinh nghiệm hết sức quý giá được đúc kết sau một chặng đường rất dài của NVM sẽ được bật mí ngay trong bài viết này. Hi vọng sẽ lan toả thêm nguồn cảm hứng đến nhiều bạn trẻ có đam mê âm nhạc hơn nữa.
Việc hợp tác với nghệ sĩ nhạc Pop nó có khác biệt nhiều so với những nghệ sĩ Hip-Hop trước đây bạn đã làm cùng không? Và điều này có làm cho khâu xử lý âm thanh của bạn mất nhiều thời gian hơn không?
Đó giờ mình làm việc và đã cảm thấy quen thuộc với môi trường Hip-hop rồi nên khi mình qua Pop thì nó khác hoàn toàn và cũng làm khó mình nhiều. Và mình buộc phải thích nghi nhanh, làm mình không có thời gian để mình học hỏi thêm hay trau dồi gì hết nên đó là một thử thách với mình.
Bạn có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm với khâu xử lý giọng trong sản xuất âm nhạc được không?
Thời gian gần đây mình thấy rất là nhiều người có xu hướng sử dụng auto-tune, có người nghĩ là cứ hát sao cũng được rồi gắn auto-tune vào nó sẽ tự hay thôi. Nhưng thực chất auto-tune nó chỉ là một effect tạo màu cho giọng, nên để phần auto-tune được hay thì trước tiên mình phải hát hay đã. Nếu mình hát không đúng tone thì phải sử dụng những phần mềm chỉnh sửa tông ở trước đó như Melodyne rồi mới thả auto-tune vào được.
Để autotune hay thì mình cũng cần rất nhiều công đoạn để có những vocal không bị bóp méo quá. Nếu xử lý đúng quy trình cho vocal thật đẹp rồi thì khi bỏ auto-tune vào nó chỉ làm sáng giọng lên mà không gây bóp méo quá nhiều cho vocal.
Từ đâu mà bạn bén duyên với Producing?
Hồi trẻ mình cũng hay thích cầm đàn guitar hát với bạn bè, nghêu ngao ngày này tháng nọ. Và rồi mình nghĩ là tại sao mình cứ phải đi hát nhạc của người khác như vậy, sao mình không tự tạo ra cho mình một giai điệu riêng, một câu chuyện riêng của mình.
Mình bắt đầu tìm hiểu đến FL studio và nghĩ để tạo ra một cái bài nhạc như vậy thì mình phải làm gì. Học từ từ thì mình có cơ hội để làm việc rồi mình mới biết nó được gọi là Producer, lúc mới nghe từ này mình từng nghĩ nó là một cái gì đó cao siêu lắm.
Đã có suy nghĩ nào bạn từng nghĩ lúc mới làm nhạc và sau đó khi nhìn lại bạn cảm thấy nó rất là “ngớ ngẩn” chưa?
Có chứ, lúc mình mới làm producer thì mình nghĩ phải làm cái gì đó thật màu mè, thật nhiều layer trong đó, phần drum (trống) là phải “banh xác” luôn. Sau này mình nghĩ lại, mình thấy công việc producer nó như một cái ghế vậy đó, mình phải làm một cái ghế nó thật đơn giản, thoải mái để nghệ sĩ hay ca sĩ có không gian của họ để sáng tạo. Như vậy thì sản phẩm mình làm ra mới tốt được.
Bạn đầu tư thời gian nhiều nhất vào khâu nào trong sản xuất?
Mình đầu tư nhiều nhất vào khâu chọn ý tưởng. Đây là phần rất quan trọng, nó sẽ đẻ ra nhiều hướng đi, khi có nhiều hướng trong đầu nảy lên thì điều quan trọng là mình phải chọn ra được hướng nào phù hợp nhất.
Một khi đã chọn được hướng đi tốt, những khâu sau sẽ dễ dàng hơn cho mình. Khi nào mình làm những cái bài khiến cho mình phải lao đao mệt mỏi, thì có lẽ từ đầu do khâu chọn ý tưởng chưa được tốt nên nó mới nảy sinh ra những khó khăn này. Thế nên càng về sau mình càng tinh lọc ý tưởng hơn.
Bạn có nghĩ việc nghệ sĩ trang bị thêm cho mình những kỹ năng khác ví dụ như sáng tác, hát, rap hay chơi nhạc cụ sẽ khiến cho công việc sản xuất âm thanh trở nên dễ dàng hơn không?
Mình nghĩ biết nhiều là sẽ tốt, ví dụ mình là producer biết chút về rap hay hát, lúc làm việc với nghệ sĩ thì mình sẽ biết được phần khuyết của họ và giúp đỡ ví dụ như anh/chị nên hát một cái như vầy, nên bè ở đoạn này, nên phiêu ở đoạn này. Như vậy họ sẽ cảm thấy ồ mình không chỉ đơn thuần là làm beat mà còn là một producer, như vậy thì niềm tin của họ với mình cũng sẽ được nâng cao.
Theo bạn thì một producer cần trang bị cho mình thêm những kỹ năng gì khác ngoài kiến thức về sản xuất âm thanh?
Mình nghĩ ngoài việc nghe nhạc bản thân cảm thấy hay thì mình phải biết lắng nghe người khác thích gì nữa. Sẽ có producer chỉ làm những gì bản thân cảm thấy thích nghe thôi chứ không làm những cái người khác cần. Mình nghĩ đó là thứ mà các producer cần phải học, khi làm nhạc, mình cống hiến cho khán giả cho sân khấu thì mình cũng cần phải biết họ đang muốn nghe gì, họ cần những tần số âm thanh nào.
Tuy nhiên nếu mình chỉ tập trung vào những gì quá trendy thì đôi khi sẽ làm mất đi giá trị riêng của bản thân nên những yếu tố này cũng cần phải được cân bằng.
Bạn sẽ làm gì khi bị bí ý tưởng
Mình nên chuyển sự tập trung qua một hướng khác, chẳng hạn như đọc sách giải trí này nọ, nếu là mình thì mình sẽ đi….ngủ.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ, chúc bạn luôn phát triển trong sự nghiệp của mình nhé!